Theo các chuyên gia về xử lý bom mìn đạn dược thuộc Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn - Bộ Tư lệnh Công binh nhận định, vật nổ ở khu đô thị Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội) hôm 19/3 vừa qua có thể là khoang chiến đấu từ một tên lửa, ngư lôi hoặc thủy lôi còn sót lại sau chiến tranh.
Nhiều ngôi nhà trong khu nhà TT9 Văn Phú chịu ảnh hưởng nặng nề từ vụ nổ kinh hoàng chiều 19/3 vừa qua (ảnh: Tiến Nguyên)
Ba ngày sau khi xảy ra vụ nổ kinh hoàng tại Khu đô thị Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội) hôm 19/3 làm 4 người tử vong, nhiều người bị thương và gần 100 ngôi nhà bị hư hỏng, dư luận xã hội vẫn rất băn khoăn không biết vật gây nổ thuộc loại gì? Để phần nào giải đáp những thắc mắc này, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với Thiếu tá Đoàn Văn Vững – Chủ nhiệm Kỹ thuật Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn - Bộ Tư lệnh Công binh.
Phóng viên: Anh Đào Văn Thủy là hàng xóm của ông Phạm Văn Cường (SN 1975, ở Nam Trực, Nam Định, người gây ra và cũng là nạn nhân tử vong trong vụ nổ kinh hoàng) kể: Sáng ngày 19/3, ông Cường đã nhờ anh Thủy cùng lăn “vật thể lạ” đó ra ngoài vỉa hè. Theo miêu tả của anh Thủy, vật thể có hình trụ, đường kính khoảng 40-45cm, cao khoảng 80cm, ước nặng khoảng 100kg, 2 đầu bằng không có mấu, không có chi tiết nào thừa ra để có thể cầm được nên họ mới phải cùng nhau lăn ra vỉa hè. Từ miêu tả hình dáng như vậy, theo kinh nghiệm của ông thì “vật thể lạ” đó thuộc nhóm gây nổ nào?
Thiếu tá Đoàn Văn Vững: Tai nạn nổ tại Khu đô thị Văn Phú hôm 19/3 là rất đau lòng, rất đáng tiếc. Chúng tôi đã xuống hiện trường để thu thập tìm hiểu, qua thực tế và lời kể của anh Thủy, sơ bộ xác định vật nổ nói trên có thể là khoang chiến đấu từ một tên lửa, ngư lôi hoặc thủy lôi sót lại từ sau chiến tranh. Tuy nhiên, để xác định chính xác đó là vật gì, tên loại thế nào còn phải xem xét rất kỹ lưỡng, mô tả của nhân chứng cũng chỉ là tham khảo, còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nữa,…
Thực tế, chúng ta đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh giữ nước quy mô lớn, thời gian dài và diễn ra trên diện rộng, một lượng lớn bom mìn vật nổ (chủ yếu do quân đội ngoại xâm mang đến) còn sót lại. Chính phủ, Nhân dân và Quân đội ta đã rất nỗ lực rà phá thu gom tiêu hủy, nhưng do khối lượng tồn sót lớn và trên diện rộng nên ở một số nơi đến nay vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn do bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh như sự việc vừa qua.
Hình dáng 2 quả thủy lôi K8 này khá trùng khớp với miêu tả về vật nổ tại Văn Phú như lời anh Thủy kể lại (ảnh: Nguyễn Dương)
Các nhân chứng cho biết, ông Cường đã dùng đèn khò để cắt phá khối kim loại nói trên dẫn đến phát nổ và gây ra hậu quả khủng khiếp. Ông có thể cho biết, cơ chế để vật nổ đó phát nổ là như thế nào? Ông đánh giá về sức công phá của vật nổ này ra sao?
Nếu đúng người ta đã dùng đèn khò để cắt phá vỏ kim loại, thì lửa từ đèn khò đã gây cháy nổ vật nói trên. Theo miêu tả về hình dáng, kích thước thì bên trong vật đó có thể chứa tới 40-50kg thuốc nổ. Có thể thuốc nổ bên trong đã cháy một phần, cũng có thể đã xuống cấp do thời gian, môi trường,… chứ nếu còn nguyên trạng thì sức công phá có thể còn lớn hơn. Nếu ông Cường không dùng đèn khò để cắt vỏ kim loại, mà dùng đục, cưa… để cắt phá cũng có thể làm sinh nhiệt và tia lửa gây cháy nổ.
Từ vụ việc đau lòng này, ông có đưa ra những khuyến cáo, cảnh báo gì cho nhân dân?
Chúng tôi thấy, những người làm nghề thu gom tái chế phế liệu và phế liệu kim loại nói riêng rất cần phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Nơi thu gom tái chế phế liệu nói chung phải cách xa khu dân cư, phải có đủ điều kiện về PCCC và an toàn vệ sinh môi trường. Người làm nghề này phải được huấn luyện và luôn có ý thức phòng tránh tai nạn thương tích, phòng chống cháy nổ cho bản thân và cộng đồng.
Với hình dáng những quả bom như thế này người dân rất dễ nhận ra vào chủ động phòng tránh.
Nếu không có chuyên môn, người dân thường rất khó biết đây là những bom bi quả dứa CBU 2A/A (ảnh: Nguyễn Dương)
Người dân khi trong khi lao động công tác, nếu gặp các vật thể lạ có hình thù cấu tạo khác thường tuyệt đối không liều lĩnh cưa, đục, đốt, cắt mà cần báo ngay cho chính quyền địa phương ở cơ sở, cơ quan công an, quân sự gần nhất hoặc có thể gọi số 113 hoặc 114 để cấp báo cho cơ quan chức năng có biện pháp thu gom phân loại và tiêu hủy an toàn.
Chính quyền cơ sở ở các địa phương cũng cần tăng cường hơn công tác kiểm tra rà soát chấn chỉnh, khuyến cáo, ngăn ngừa và tăng cường các hoạt động thông tin tuyên truyền để người dân, nhất là những người làm nghề thu gom, tái chế phế liệu luôn có ý thức phòng tránh rủi ro cho bản thân và cho xã hội.
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Dương (thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét