Nếu vụ nổ tại Văn Phú được xác định là do “cưa bom” kinh doanh phế liệu thì đây không phải là lần đầu tiên hiểm họa từ kinh doanh phế liệu giữa phố đã hiện hình.
Như Infonet đưa tin, nguyên nhân vụ nổ kinh hoàng tại Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội) được tóm tắt như sau: Anh Phạm Văn Cường (SN 1975), quê ở thôn Nam Hùng, xã Nam Hưng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, thuê nhà số 15 - TT 19, Khu đô thị Văn Phú, quận Hà Đông từ năm 2013 để hành nghề thu mua phế liệu. Sau khi thu mua phế liệu các loại, anh Cường mang về nơi ở trọ cất giữ. Hàng ngày, anh Cường mang các loại phế liệu ra vỉa hè trước cửa nhà thuê trọ để phân loại, dùng đèn khò cắt, phá bán sắt vụn. Đến 8h30’ ngày 19/3/2016, anh Cường nhờ một nam thanh niên hàng xóm lăn giúp từ trong nhà thuê trọ ra vỉa hè trước cửa (nơi xảy ra vụ nổ) 1 khối kim loại hình trụ bằng sắt đã hoen gỉ, đường kính khoảng 40 - 45 cm, dài khoảng 80 cm, khối lượng ước khoảng trên 100 kg.
Qua công tác khám nghiệm hiện trường, các lực lượng chức năng của Công an thành phố Hà Nội và Bộ Tư lệnh Thủ đô đã thu được nhiều mảnh kim loại bằng gang, thép, được xác định là vật liệu dùng để chế tạo bom. Theo kết quả giám định sơ bộ của Cục Kỹ thuật hình sự Bộ Công an, thuốc nổ gây ra vụ nổ cũng là loại thường sử dụng để chế tạo bom, mìn.
Như vậy, có thể đưa ra nguyên nhân ban đầu vụ nổ liên quan đến việc thu mua và xử lý phế liệu, hay nói cách khác là do “cưa bom giữa phố”.
Hiện trường vụ nổ ở Văn Phú (Hà Đông- Hà Nội)
Cách đây không lâu, tại Viện Công nghệ Xạ hiếm (ở giữa nội thành Tp. Hà Nội) thuộc Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (trực thuộc Bộ KH&CN), một công nhân đã đánh cắp chiếc hộp sắt rồi bán cho người thu mua đồng nát và người này chuyển về cửa hàng phế liệu trên đường Bạch Đằng, Hà Nội. Chiếc hộp sắt chứa đồng vị phóng xạ Europium Eu-152. Một lượng đồng vị phóng xạ Eu-152 ở dạng bột trắng chứa trong hộp sắt, có hoạt độ phóng xạ 14 mili Curi, khối lượng 54,8 mg và được sản xuất tại Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt vào tháng 10/1995. Sự việc khiến nhiều người hoang mang.
Vậy hiểm họa từ việc thu mua, kinh doanh phế liệu ở khu dân cư đã quá rõ ràng. Vụ việc ở Văn Phú- Hà Đông lại càng là bài học kinh hoàng về việc kinh doanh phế liệu giữa phố.
Đã đến lúc chúng ta phải kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền cần có cơ chế quản lý chặt chẽ với hoạt động kinh doanh này.
Không thể để những cửa hàng mang theo những hiểm họa như phóng xạ, bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, hay những hóa chất ô nhiễm khác ở ngay khu dân cư.
Trao đổi với Infonet, Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng: “Việc kinh doanh phế liệu, chất thải được quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ- CP có hiệu lực từ ngày 15/6/2015. Đây là cơ sở pháp lý về việc này, vì vậy, theo tôi, thời gian tới cần tuyên truyền, phổ biến để người dân nắm được và chấp hành các quy định của Nghị định này, đồng thời cần có những văn bản hướng dẫn thi hành và cần có sự vào cuộc thực sự nghiêm túc, quyết liệt của các cơ quan có liên quan thì mới đảm bảo tác dụng, hiệu quả trên thực tế”.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, đối với những cơ sở thu gom, xử lý rác thải, phế liệu thuộc danh mục nguy hại thì cần tuân thủ các điều kiện luật định. Còn với các cơ sở thu mua các phế liệu sinh hoạt thông thường cũng cần đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường, tránh gây ảnh hưởng cho những hộ dân xung quanh.
“Cần phải chuyển các cơ sở kinh doanh, thu mua phế liệu ra khu vực vùng ven, ngoại thành, xa khu dân cư. Đồng thời phải quản lý chặt các cửa hàng này, tránh tránh những rủi ro cho khu dân cư và gây ô nhiễm môi trường”- Luật sư Đặng Văn Cường kiến nghị.
Hồng Chuyên